Giải thích rõ về chương trình tín dụng mang tính nhân văn này, Ông Nguyễn Đức Phong, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết, để đăng ký vay, học sinh, sinh viên phải là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (có bố hoặc mẹ hoặc bố và mẹ mất do dịch COVID-19); và không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức. Về phương thức cho vay, học sinh, sinh viên thực hiện vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của học sinh, sinh viên là người đứng tên vay và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp đối tượng là học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã đủ 18 tuổi thì được trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cư trú hoặc nơi nhà trường đóng trụ sở, nếu hộ gia đình không còn thành viên nào đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Mức vốn cho vay tối đa là 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên; lãi suất 1,2%/năm. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng.
Trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã Lộc Điền đăng ký vay vốn theo chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, chị Nguyễn Thị Hương ở ấp 9 xã Lộc Điền có mặt từ rất sớm tại buổi giao dịch lưu động của NHCSXH huyện Lộc Ninh để chờ đến lượt giải ngân. Chị Hương có hai con hiện đang theo học tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và trường Đại học Khoa học Tự nhiên tại Thành Phố Hồ Chí Minh
Gia đình thuộc diện hộ có mức sống trung bình tại địa phương, chị Hương cho biết, bản thân chị là lao động tự do nên kinh tế gia đình càng gặp nhiều khó khăn hơn sau thời gian chịu tác động của đại dịch COVID-19. “Hai con đi học ở Thành Phố Hồ Chí Minh chỉ có 2 chiếc điện thoại thông minh vừa là phương tiện để liên lạc với gia đình và để tra cứu thông tin trên mạng để học, đôi khi có tài liệu muốn lưu về nhưng trong điện thoại không cho phép tải về nên gặp khó khăn trong vấn đề học tập trong thời gian qua ” chị Hương xúc động chia sẻ.
Theo chị Hương, khi được tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn phổ biến về chính sách vay để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến, chị vô cùng mừng rỡ và mong muốn được đăng ký ngay khoản vay 20 triệu đồng để mua hai máy tính cho hai con. Chị Hương cho biết, chị được cán bộ phụ trách địa bàn của NHCSXH huyện tại xã Lộc Điền hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ… rất tận tình, rõ ràng, hồ sơ thủ tục đơn giản, dễ thực hiện và nhanh chóng được giải ngân ngay khi đầy đủ hồ sơ.
“Chị mừng lắm, chỉ mong sao hai con có máy tính để học cho theo kịp bài vở với bạn bè, vì đó là công cụ quan trọng trên giảng đường Đại học của 2 con chị. Thật sự rất cảm ơn chính sách của Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ cho những gia đình khó khăn như gia đình chị để lo cho con ăn học. Hai con ổn định học tập thì vợ chồng chị cũng yên tâm làm ăn, xây dựng kinh tế gia đình”, chị Hương vui mừng bày tỏ.
Theo lãnh đạo NHCSXH huyện Lộc Ninh, trong thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục phối hợp UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền, phổ biến chương trình mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập đến người dân. Để các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả và nhanh chóng.