Tại 16 điểm giao dịch xã, thị trấn trong toàn huyện, NHCSXH huyện đều chỉ đạo, giám sát, đảm bảo thực hiện các hoạt động giao dịch theo đúng quy định. Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, các điểm giao dịch cấp xã đều được niêm yết công khai đầy đủ thủ tục giải quyết công việc, công khai dư nợ; thông báo chính sách tín dụng ưu đãi theo đúng quy định.
Trước mỗi phiên giao dịch cố định hàng tháng, cán bộ tín dụng phổ biến cho các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nắm bắt được những chính sách mới, kế hoạch hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. Các tổ trưởng tổ TK&VV phổ biến kịp thời tới các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn.
Tại điểm giao dịch xã, cán bộ NHCSXH thực hiện nghiêm quy định giao ban với các đoàn thể nhận uỷ thác, tổ TK&VV, lãnh đạo xã, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn, số lượng vốn phân bổ nhằm giúp phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hoạt động tại các điểm giao dịch xã luôn được địa phương phối hợp chặt chẽ đảm bảo an ninh, an toàn về người và tài sản trong quá trình giao dịch. Tổ chức hoạt động giao dịch lưu động tại xã, thị trấn là giải pháp quan trọng giúp nhân dân tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để có nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Đến 31/03/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH huyện đạt trên 407 tỷ đồng. Đi đôi với tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng chính sách luôn được giữ vững khi nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,12% so với tổng dư nợ.
Hoạt động tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Về nhiệm vụ quý II năm 2022, Giám đốc NHCSXH huyện Phan Thị Tầm cho biết: Căn cứ nguồn vốn được giao sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện phân bổ cho các xã, thị trấn để giải ngân cho người dân. Năm 2022, đơn vị phấn đấu nâng mức cho vay, giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân về vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn ưu đãi của nhân dân; cho vay tín dụng ưu đãi phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Giám sát chặt chẽ khả năng sử dụng vốn, khả năng trả nợ; huy động tiết kiệm qua tổ và tiết kiệm dân cư theo chỉ tiêu giao. Phối hợp với UBND xã, thị trấn, hội đoàn thể nhận ủy thác thu lãi theo hàng tháng không để tồn đọng; tăng cường xử lý nợ quá hạn, nợ đến hạn; không để nợ quá hạn mới phát sinh…