Hiệu quả vốn tín dụng chính sách thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn
Thứ sáu - 21/10/2022 08:20
Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đưa nguồn vốn tín dụng đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Do đó, thời gian qua, NHCSXH huyện Lộc Ninh đã tập trung củng cố nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của các tổ TK&VV.
Đến hết quý III năm 2022, toàn huyện có 289 tổ TK&VV đang hoạt động tại 131 ấp, khu phố trong toàn huyện với tổng số 12,076 tổ viên đang có dư nợ tại NHCSXH huyện (bình quân 42 tổ viên/tổ). Trong đó toàn huyện, có 255 tổ xếp loại tốt (88,23%), 29 tổ xếp loại khá (10,03%), 5 tổ xếp loại trung bình (1,74%), không có tổ yếu kém. Trong những năm qua, thông qua tổ TK&VV, NHCSXH huyện thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đến nay đạt 434 tỷ 381 triệu đồng. Nhiều chương trình có dư nợ lớn như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường có dư nợ 108 tỷ 387 triệu đồng với 6.809 hộ vay, cho vay hộ mới thoát nghèo có dư nợ 53 tỷ 865 triệu đồng với 1.906 hộ vay, cho vay hộ cận nghèo có dư nợ 73 tỷ 544 triệu đồng với 2.766 hộ vay… Năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH huyện đã kịp thời triển khai các chương trình cho vay được giao thông qua hệ thống tổ TK và VV. Đến nay, đã có 67 lượt khách hàng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 5 tỷ đồng, 1 hộ vay vốn thuộc cơ sở giáo dục mần non tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid19 và 360 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay vốn thông qua 245 hộ gia đình với 3 tỷ 600 triệu đồng để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đến cuối năm 2021, huyện Lộc Ninh còn 65 hộ, chiếm tỷ lệ 0,20%/tổng số hộ dân toàn huyện, trong đó hộ DTTS 31 hộ, chiếm 47,69%.
Cán bộ NHCSXH huyện Lộc Ninh đánh giá hoạt động các tổ TK&VV trong cuộc họp giao ban
hàng tháng tại xã
Bà Phạm Thị Hữu, tổ trưởng tổ TK và VV ấp 4 xã Lộc Thái cho biết: “Thời gian gần đây, cơ cấu kinh tế của địa phương đã và đang được chuyển đổi, các ngành nghề dịch vụ, kinh doanh đang được mở rộng, nên nhu cầu về vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác là rất lớn. Vì thế, chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động của tổ TK và VV để chuyển tải nhanh vốn tín dụng chính sách đến với người dân. Hàng tháng, các tổ trưởng tiếp nhận Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn của tổ viên; tổ chức họp tổ để bình xét công khai, dân chủ; lựa chọn tổ viên đủ điều kiện vay vốn, lập danh sách đề nghị vay vốn trình UBND cấp xã xác nhận và gửi về NHCSXH làm cơ sở để cho vay. Tiếp đó, tổ trưởng thông báo kết quả phê duyệt cho vay và chứng kiến việc giải ngân của NHCSXH đến từng tổ viên tại điểm giao dịch. Đồng thời, thu tiền lãi, thu tiền gửi của các tổ viên trong tổ theo quy định nghiệp vụ của NHCSXH và nộp số tiền đã thu của các tổ viên trong tháng vào ngày giao dịch cố định 17 hàng tháng tại điểm giao dịch xã. Đôn đốc người vay sử dụng tiền vay đúng mục đích; trả đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi theo kế hoạch đã thoả thuận.” Thời gian tới, NHCSXH huyện Lộc Ninh tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ TK và VV; tập huấn nâng cao nghiệp vụ tín dụng chính sách cho các Ban quản lý tổ; thông tin, tuyên truyền kịp thời các chính sách tín dụng đến mọi người dân biết, đặc biệt chương trình cho vay phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn, tổ TK và VV làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định các đối tượng vay vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng kịp thời nguồn vốn ưu đãi. Ngoài ra, chỉ đạo các tổ TK và VV trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy định về việc bình xét công khai khi vay vốn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.