Hội làm vườn Tân Tiến - Nơi gắn kết chia sẻ với nhà nông
Thứ hai - 24/08/2015 11:28
Hội Làm vườn xã Tân Tiến (Đồng Phú) được thành lập từ năm 2003, trước đó, các hộ hội viên ở mức khó khăn, kinh tế eo hẹp, kinh nghiệm sản xuất còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng trên, hằng năm hội phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hội viên tự nguyện đóng góp quỹ, số tiền này đầu tư xoay vòng vốn cho các hộ hội viên nghèo, khó khăn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tham gia vào hội còn có các thành viên là cán bộ chủ chốt của xã và hội viên của các hội, đoàn thể khác.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Tân Tiến cho biết: Hội duy trì sinh hoạt hằng tháng. Nội dung sinh hoạt, các hội viên tập trung đề cập, trao đổi thông tin về cách phòng trừ dịch bệnh, sâu hại trên cây trồng, vật nuôi, cách sử dụng phân bón, chế độ chăm sóc… Tại buổi sinh hoạt có cán bộ khuyến nông trực tiếp giải đáp thắc mắc của hội viên, đồng thời phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn ứng dụng vào vườn nhà. Hằng tháng theo định kỳ hoặc đột xuất, hội tổ chức cho hội viên đi thực tế tại các mô hình để có đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các hội viên. Năm qua, hội tổ chức chuyến thăm thực tế mô hình nuôi chồn hương, gà H’mông, gà hồ Đông tảo tại huyện Hớn Quản; phối hợp Công ty Thế giới xanh tại thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm chữa trị bệnh trên cây cao su và điều. Đặc biệt phối hợp với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang làm thí điểm sử dụng thuốc kích thích tăng sản lượng mủ cao su bằng dạng hạt và nước…
//localhost/public/uploads/news/2012_05/xen-canh.jpg
Hội viên Phạm Quốc Duyệt trồng xen chè trong vườn điều, tăng thu nhập
Nhờ vậy, các mô hình cây trồng, vật nuôi ngày càng đa dạng, cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay, hội có tổng số diện tích vườn cây là 324 ha, trong đó 256 ha cao su, 68 ha điều. Trong hội còn có một trại nuôi nhím đẻ, một trại nuôi gà khoảng 1.000 con/năm, Ngoài ra, các hội viên còn tích cực đan xen trồng các vườn tiêu, chè, nuôi gia súc, gia cầm nhằm tăng thêm nguồn thu nhập. Năm 2011, hội có 20 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, chiếm 83,3%, còn lại đạt cấp huyện.
Nổi bật có hội viên Phạm Quốc Duyệt ở ấp Chợ, là thương binh hạng 4/4. Nhiều năm qua, ông Duyệt được mọi người trong vùng quý mến bởi sự chăm chỉ lao động và biết tính toán, sáng tạo trong cách làm. Rời xứ Thanh vào Bình Phước lập nghiệp với bộn bề khó khăn, đến nay gia đình ông Duyệt đang sở hữu 1.000 nọc tiêu, 3 sào chè xanh, 2,5 ha điều và 2 ao cá. Ông Duyệt cho biết: Từ khi tham gia hội, tôi đã được học, được phổ biến và hướng dẫn, áp dụng các yếu tố kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, đã có sự chủ động trong việc phòng, trừ dịch bệnh, sâu hại và các biến đổi phức tạp của thời tiết. Vì vậy, từ chỗ khó khăn, nay kinh tế ổn định, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu về 360 triệu đồng/năm.
Ngoài mô hình vườn cây, hội viên Nguyễn Văn Tiến phát triển tốt mô hình nuôi nhím đẻ. Lúc đầu chỉ có một vài cặp nhưng đến nay khu chuồng nuôi nhím đã có 20 cặp, hằng năm xuất bán được khoảng 4 lứa với giá trung bình 8 triệu đồng/cặp cho thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Tiến khẳng định: Vào hội, nông dân sẽ được nhiều lợi thế thiết thực, bản thân được mở mang kiến thức trong sản xuất, nhiều hộ còn được hỗ trợ vốn trong đầu tư phát triển kinh tế.
Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay hội đang quản lý tổng số quỹ gần 149 triệu đồng cho hàng chục lượt hộ hội viên vay phát triển các mô hình. Sử dụng đồng vốn đúng mục đích, được phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật nên các hội viên đã biết tổ chức, quản lý, xây dựng mô hình hợp lý để làm giàu. Có thể nói, Hội Làm vườn xã Tân Tiến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, là nơi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của nhà nông, hướng đến cùng phát triển.