Là học sinh đang học lớp 12 tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh và thuộc gia đình khó khăn nên trong suốt quá trình học trực tuyến vừa qua em Trần Tấn Hưng chỉ có chiếc điện thoại nhỏ để “lên lớp”. Với áp lực học của năm cuối cấp, chuẩn bị cho hành trang thi vào đại học thì việc ngồi hằng buổi, thậm chí cả ngày trước màn hình điện thoại để tiếp cận kiến thức thực sự là điều bất tiện đối với Hưng. Tấn Hưng chia sẻ: Có hôm đang học trực tuyến thì có cuộc gọi của người quen gọi đến thế là em bị “rớt” khỏi phòng học. Khi vào lại lớp học thì những nội dung bài giảng quan trọng của thầy cô đã trôi qua. Không chỉ vậy, học bằng điện thoại cũng rất mỏi mắt do màn hình nhỏ mà có hôm phải cả ngày nên rất mệt. Để tạo điều kiện cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như Trần Tấn Hưng học tập tốt nhất, trong 5 chương trình cho vay thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 11 có chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học trực tuyến. Và Hưng đã được NHCSXH huyện Lộc Ninh xét cho vay 10 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ kinh phí kịp thời như vậy những học sinh, sinh viên như em Trần Tấn Hưng sẽ thuận tiện hơn nếu phải tiếp tục học trực tuyến. Không chỉ vậy, đây còn là thiết bị hữu ích của các em cho cả chặng hành trình học vấn phía trước.
Còn với cơ sở gia công đồ gỗ của ông Đào Đình Toàn ở xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, gần cả năm gia đình ông phải thu hẹp sản xuất do tình hình dịch trên địa bàn diễn biến phức tạp. Là cơ sở nhỏ, vốn ít nên sau khi dịch tạm lắng, để trở lại hoạt động bình thường thì đồng vốn cũng là vấn đề nan giải. Trước khó khăn này, cơ sở của ông Toàn đã được xét duyệt cho vay 90 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 11. Những đồng vốn được vay như một luồng sinh khí, tiếp thêm năng lượng cho việc phục hồi sản xuất, và trước mắt ông Toàn sẽ có thêm chi phí để thuê thêm nhân công, gia tăng sản xuất, hoàn thành các đơn hàng đã đặt trước đó, Ông Toàn chia sẻ: Cả năm qua, cơ sở của tôi chỉ hoạt động cầm chừng vì cạn vốn và tình hình dịch diễn biến phức tạp. Nay được vay gói vay ưu đãi này để phục hồi sản xuất, tôi mừng lắm, giờ sẽ cố gắng làm việc để bù đắp khoảng thời gian bị ảnh hưởng của dịch…
Trong thời gian vừa qua, NHCSXH huyện đã tiến hành giải ngân cho các đối tượng được vay theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ đến nay trên 5 tỷ đồng. Để giải ngân nhanh và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sớm nhận được vốn vay, NHCSXH huyện đã tăng cường nhân lực, mở thêm các buổi giải ngân vốn tại các điểm giao dịch xã, thị trấn trong toàn huyện.
Theo lãnh đạo NHCSXH huyện, trong thời gian tới NHCSXH huyện Lộc Ninh sẽ tiếp tục giải ngân hết nguồn vốn đã được phân bổ theo đúng quy định, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất, tái sản xuất, xây sửa nhà ở, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Qua đó, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, giảm nghèo bền vững ở mỗi địa phương.