Ðóng góp vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Lộc Hòa không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ xã Lộc Hòa đạt 36 tỷ đồng thuộc 9 chương trình tín dụng đang còn dư nợ, với 727 hộ vay vốn, vốn phân bổ cho cả 8 ấp trên địa bàn xã.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân trong xã đã đẩy mạnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Ðầu tư xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh.Các em học sinh, sinh viên có thêm 1 phần kinh phí từ nguồn vốn vay để trang trải học phí tiếp tục theo học các trường đào tạo nghề, các trường cao đẳng và đại học.
Từng là một hộ có điều kiện kinh tế khó khăn của địa phương trong nhiều năm trước, nhưng gần hai năm trở lại đây, kinh tế gia đình chị Thạch Thị Kim Thành, ấp 8C, xã Lộc Hòa đã có những bước chuyển biến tích cực. Nhất là từ khi gia đình anh chị triển khai thành công mô hình chuyển đổi trồng cây ăn trái. Cụ thể, nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện năm 2022 đầu tư để cải tạo đất và mua cây giống, đến nay, gia đình anh chị đã phát triển vườn cây ăn trái sầu riêng và chôm chôm thái gần 1ha với hệ thống tưới nước tự động giúp cây phát triển tốt.
Chị Thạch Thị Kim Thành cho biết:“Ngoài vốn đầu tư vào vườn cây ăn trái, gia đình chị còn được vay vốn 20 triệu đồng để làm nhà vệ sinh và khoan cây nước. Nhờ có nguồn vốn chính sách nên cuộc sống gia đình đã tạm ổn, gia đình có công ăn việc làm. Nếu có thêm nguồn vốn thì gia đình sẽ mở rộng thêm để phát triển kinh tế gia đình”.
Gia đình chị Thạch Thị Kim Thành là một trong những gia đình được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống để tạo dựng gia đình no ấm trên địa bàn xã.
Với vai trò, trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thường xuyên bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để chủ động tham mưu và tích cực chỉ đạo các hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo hướng tập trung ưu tiên tại các xã xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng tín dụng; thường xuyên rà soát, thống kê số hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để tạo điều kiện cho vay vốn kịp thời, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.