Để việc nuôi và nhân rộng mô hình đạt được hiệu quả, anh Tùng cho biết: lúc đầu anh lên mạng tìm hiểu và trực tiếp đi đến các cơ sở nuôi chim bồ câu lớn tại tỉnh Đắk Lắk và Bình Dương. Nhận thấy, mô hình này, chỉ cần làm chuồng trại yên tĩnh, thoáng mát, nhiều ánh sáng, còn nguồn thức ăn cũng dễ kiếm như cám, bắp và gạo lứt. Từ những kinh nghiệm học hỏi được, anh thấy giống chim bồ câu TiTan (có nguồn gốc từ Thái Lan) rất dễ nuôi lại nhanh sinh sản, giá trị thương phẩm cao, mang lại hiệu quả kinh tế, anh Tùng đã quyết định đầu tư và tận dụng từ diện tích chuồng heo của gia đình đã bỏ trống để bắt đầu thực hiện với quy mô ban đầu là 120 cặp đến nay anh đã nhân rộng lên 230 cặp. Anh cho biết: với 230 cặp chim bố mẹ thì công chăm sóc hàng ngày cũng không nhiều, anh dành khoảng 02 giờ mỗi ngày để cho ăn và dọn vệ sinh chuồng trại 1 tuần 1 lần; việc nuôi nhốt hoàn toàn, tách riêng từng cặp sẽ còn rất thuận lợi trong việc theo dõi sinh sản cũng như phòng ngừa dịch bệnh.
Bồ câu TiTan là loài nhanh lớn, nuôi từ 5 tháng trở lên là chúng bắt đầu sinh sản, mỗi tháng bồ câu mái đẻ một lứa. Để hiệu quả hơn nữa khi chim bồ câu ấp trứng, anh cho chim mẹ ấp trứng giả, còn trứng thật anh dùng công nghệ máy ấp trứng để điều chỉnh nhiệt độ để trứng có tỷ lệ nở đạt cao hơn, sau khi nở mới cho chim mẹ nuôi con; làm như vậy thì chim bồ câu mẹ trong quá trình nuôi con chúng sẽ tiếp tục đẻ trứng.
Song song với nuôi loại chim bồ câu bồ TiTan anh còn xen vào đó nuôi thêm loài bồ câu có nguồn gốc từ nước ta, vì mỗi loại đều có những ưu, nhược điểm riêng, hình thức nuôi như vậy là để đa dạng nguồn giống và cung cấp nguồn thương phẩm theo nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, trên thị trường giá của thịt chim bồ câu (thương phẩm) có giá khác nhau như: Bồ câu TiTan (Thái Lan) theo thời giá từ 140-150 ngàn đồng/cặp, bồ câu ta hiện nay từ 100-120 ngàn đồng/cặp. Về bồ câu gống TiTan từ 450-500 ngàn đồng/cặp tuỳ theo loại và thời gian nuôi; còn bồ ta 100-120 ngàn đồng/cặp.