1. TÁC NHÂN GÂY BỆNH
Bệnh gạo lợn (Porcine Cysticercosis) do ấu trùng Cysticercus cellulosae (C. cellulosae) gây ra, ấu trùng tạo thành các kén ký sinh ở cơ vân, não ở lợn và ở người. Kén trông giống như hạt gạo nếp nên gọi là “Bệnh gạo lợn”. C. cellulosae là ấu trùng của loài sán dây Taenia solium, sán trưởng thành ký sinh ở ruột non của người. Ngoài ra, ấu trùng C. cellulosae còn ký sinh ở lợn rừng, chó và khỉ (Fan, 1988; Wandra et al., 2015). Ở người, ấu trùng sán Taenia solium ký sinh ở cơ vân, cầu mắt, cơ tim và não.
Ấu trùng C. cellulosae có hình bầu dục, giống hạt gạo, kích thước mỗi ấu trùng khoảng 2 x 1,6 đến 8,6 x 3,8 mm, tỷ lệ chiều dài/rộng là 1,7/1; mỗi ấu trùng cấu tạo bên ngoài là lớp màng mỏng, bên trong chứa dịch trong; đầu sán màu trắng lộn vào trong, có 2 hàng móc, mỗi hàng có 11 - 16 móc (Fan, 1988).
Sán dây Taenia solium có chiều dài biến đổi từ 1,5 m - 8 m, gồm 700 đến 1.000 đốt. Đốt sán màu trắng đục ngả vàng. Đốt trưởng thành chứa trung bình 446 tinh hoàn, buồng trứng được chia làm 3 thùy. Đốt sán chứa 5 - 11 nhánh tử cung, lỗ sinh dục đổ ra một bên (Fan, 1988). Đốt đầu gồm 4 giác bám có hai hàng móc, mỗi hàng gồm 11 - 16 móc; móc lớn dài 0,14 - 0,2 mm; móc nhỏ dài 0,09 - 0,16 mm (Loos - Frank, 2000).
Đốt sán trưởng thành và Đầu của sán trưởng thành |
Tại Việt Nam, bệnh gạo lợn và sán dây phân bố 50/63 tỉnh, thành trong cả nước. Các nghiên cứu trước năm 1990 cho biết tỷ lệ nhiễm gạo lợn biến đổi tùy theo vùng miền và giảm dần theo thời gian nghiên cứu. Những năm đầu thế kỷ 21, tỷ lệ lợn và người nhiễm gạo giảm rõ rệt với 1 - 7,2% ở người và 0,03 - 0,9% ở lợn (Somers và cs., 2006; Van De và cs., 2014).
Các ấu trùng hình hạt gạo trong thịt (nguồn: Báo Dân Trí) |
2. VÒNG ĐỜI
Sán trưởng thành sống trong ruột non của vật chủ là người, chó và mèo, các đốt sán chứa đầy trứng, già thì rụng, theo phân ra ngoài tự nhiên rồi vỡ, giải phóng hàng vạn quả trứng. Lợn và người ăn phải trứng sán dính vào rau xanh hay cỏ trong ao hồ, trứng sán vào ruột sẽ nở thành ấu trùng, xuyên qua niêm mạc ruột, vào máu rồi di hành đến các nội tạng của vật chủ như gan, não, cơ tim, gốc lưỡi, cơ hoành cách, cơ mông, vai để tạo ra các nang ấu trùng. Nang ấu trùng có màu trắng đục kích thước 5-10 x 5-20mm trông giống hạt gạo nếp, trong nang có đầu ấu trùng và hàng móc bao quanh. Thời gian từ khi trứng nở đến khi hình thành ấu trùng trung bình là 60 ngày, ấu trùng có thể sống tại đó tối thiểu là một năm, dài nhất là 3-6 năm mới chết và tạo ổ can xi hóa.
Người và các loài thú ăn thịt sống có mang ấu trùng sán sẽ bị nhiễm. Ấu trùng vào đến dạ dày, xuống ruột non sẽ ra khỏi nang phát triển thành sán dây trưởng thành sau khoảng 2 tháng nữa.
3. BỆNH LÝ LÂM SÀNG
3.1. BỆNH Ở ĐỘNG VẬT
Lợn nhiễm ấu trùng C. Cellulosae hầu như không biểu hiện rõ triệu chứng lâm sàng; chỉ khi lợn bị nhiễm nặng mới có một số biểu hiện thoáng qua của triệu chứng thần kinh và khó khăn trong vận động. Lợn có ấu trùng ký sinh ở não có một số triệu chứng không điển hình như: lười vận động, biểu hiện chậm chạp, thẫn thờ, rối loạn vận động nhẹ (Abuseir & cs., 2006).
Ấu trùng C. Cellulosae có thể tìm thấy ở não, cơ đùi, cơ liên sườn, cơ hoành, cơ lưỡi, cơ bụng, cơ tim, cơ cổ, màng treo ruột, bề mặt gan và ở dạng còn sống hay can xi hóa. Tuy nhiên các cơ quan có thể tìm thấy ấu trùng C. Cellulosae với tần suất cao là cơ lưỡi, cơ hoành, cơ đùi và não. Đây là những vị trí bắt buộc trong kiểm tra gạo lợn tại các cơ sở giết mổ.
Các ấu trùng thoái hóa có dạng canxi hóa khô hay hóa ướt (dạng phomat); vùng viêm xung quanh mở rộng với các tế bào lympho, bạch cầu ái toan và đại thực bào (Fleury et al., 2015; Mkupasi et al., 2015).
3.2. BỆNH Ở NGƯỜI
3.2.1. Bệnh do sán dây lợn trưởng thành
3.2.1.1. Nguyên nhân: Do người ăn phải thịt "lợn gạo" còn sống thì ấu trùng sán vào ruột nở ra sán dây trưởng thành.
Sán dây trưởng thành (Nguồn: Cục Y tế dự phòng) |
3.2.1.2. Triệu chứng lâm sàng
Bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt, một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng: đau bụng, đau tức vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh (suy nhược); dấu hiệu chính là thấy đốt sán ra theo phân, những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như sơ mít, đầu sán bằng phẳng và một số trường hợp có trứng sán trong phân được phát hiện.
3.2.1.3. Chẩn đoán
3.2.2. Bệnh do ấu trùng sán lợn
3.2.2.1. Nguyên nhân gây bệnh:
Người bị bệnh do ăn phải trứng sán dây lợn, trứng vào dạ dày và ruột nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh ở các cơ vân, ở não, ở mắt... Những người bị nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột, khi đốt già rụng, do phản nhu động ruột mà đốt sán trào ngược lên dạ dày. Trường hợp này coi như là ăn phải trứng sán dây lợn với số lượng vô cùng lớn từ đốt sán và số nang ở người cũng rất nhiều.
Bệnh ấu trùng sán lợn (Cysticercosis) là do những ấu trùng sán lợn ký sinh ở trong cơ, trong não, trong mắt người gây nên.
Chu trình truyền lây T. solium (Nguồn: Bệnh truyền lây giữa động vật và người – Học viện NN VN) |
3.2.2.2. Triệu chứng
Ấu trùng sán thường hình thành nang ấu trùng có thể thấy bất cứ nơi nào trong cơ thể bệnh nhân.
Tùy theo số lượng nang ấu trùng và vị trí của nang mà người bệnh có biểu hiện lâm sàng nặng, nhẹ khác nhau hoặc có thể gây tử vong.
Bệnh có thể xuất hiện với những triệu chứng khác nhau.
3.2.2.3. Chẩn đoán
4. PHÒNG BỆNH, KIỂM SOÁT VÀ ĐIỀU TRỊ
4.1. Phòng bệnh, kiểm soát và điều trị ở động vật
4.1.1. Phòng bệnh
Thực hiện việc kiểm soát giết mổ đúng quy trình tại các cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo không có lợn gạo được đưa ra thị trường tiêu thụ; nếu phát hiện thân thịt có gạo phải tiêu hủy.
Lợn cần được nuôi nhốt; chuồng trại cần xây dựng cách biệt với khu vệ sinh của con người. Thực hiện việc tiêm phòng ngừa bệnh gạo cho lợn.
4.1.2. Trị bệnh
Việc sử dụng thuốc điều trị gạo lợn chưa được phổ biến; tuy nhiên một số hóa dược có thể được sử dụng như: albendazole, praziquantel hay oxfendazole. Trong đó oxfendazole cho hiệu quả điều trị cao nhất. Các thí nghiệm cho thấy sử dụng oxfendazole liều lượng 30 - 50mg/kgP có thể tiêu diệt hoàn toàn ấu trùng C.cellulosae sau 8 - 12 tuần (Gonzales & cs., 1996; Gonzalez & cs., 1997; Mkupasi & cs., 2013).
4.2. Phòng bệnh, kiểm soát và điều trị ở người
4.2.1. Điều trị
Nguyên tắc điều trị:
4.2.2. Phòng bệnh và kiểm soát
- Đối với bệnh do sán dây lợn trưởng thành: Không ăn thịt lợn, gan lợn chưa nấu chín, không ăn các món ăn như: nem, thính, nem chua, thịt lợn tái, gan tái.
- Đối với bệnh ấu trùng sán dây lợn (gạo lợn): Không ăn rau sống, uống nước lã, quản lý phân, chất thải, nhất là phân của người bị nhiễm sán dây lợn; phát hiện và điều trị sớm những người bị mắc sán dây, xử lý những con sán được tẩy ra để ngăn ngừa mắc bệnh ấu trùng sán dây theo cơ chế tự nhiễm.
- Các ngành chức năng phải kiểm tra chặt chẽ quy trình giết mổ, kiểm tra phát hiện và loại bỏ ngay các con vật mang ấu trùng sán; sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không để lợn thả rông ăn phân người. Không được xả phân lợn tươi ra môi trường mà phải ủ để diệt đốt sán và trứng sán.
PGS.TS NGUYỄN BÁ HIÊN(Học viện Nông nghiệp Việt Nam)Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn