Thời gian qua, NHCSXH huyện Lộc Ninh luôn quan tâm, chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã, đến nay đã trở thành địa chỉ tin cậy, tạo sự gắn kết bền vững chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn huyện.
Thời gian qua, NHCSXH huyện đã tổ chức giao dịch tại điểm giao dịch xã theo lịch cố định mỗi tháng ít nhất một lần để thực hiện giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm và triển khai các công việc quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã. Toàn bộ các thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay, tình hình dư nợ của hộ dân trên địa bàn xã được niêm yết công khai tại bảng tin NHCSXH tại điểm giao dịch xã. Qua đó tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm các chi phí của người vay, thực hiện dân chủ công khai việc sử dụng vốn tín dụng chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Đến nay, NHCSXH huyện Lộc Ninh đã tổ chức 16 điểm giao dịch tại 16 xã, thị trấn. Tại các điểm giao dịch được trang bị đầy đủ biển chỉ dẫn, biển hiệu, bảng tin, thông báo chính sách, hòm thư góp ý, các trang thiết bị làm việc để đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Hàng tháng, NHCSXH tổ chức giao dịch đầy đủ, đúng lịch, vận chuyển tiền xuống tận điểm giao dịch để giải ngân, thu nợ, nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm của dân cư. Khách hàng được trực tiếp giao dịch với NHCSXH ngay tại địa phương để gửi tiền, tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội được ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền cấp xã.
Hoạt động của các điểm giao dịch xã của NHCSXH trên địa bàn huyện được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và nhân dân đồng tình ủng hộ. Chất lượng hoạt động của điểm giao dịch ngày càng được nâng cao, tỷ lệ giải ngân, thu nợ, thu lãi tại điểm giao dịch bình quân đạt trên 98%, tỷ lệ tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đi giao dịch đúng lịch đạt 100%. Hầu hết mọi giao dịch của nhân dân với Ngân hàng được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện tại điểm giao dịch.
Thông qua việc triển khai các điểm giao dịch xã được xem là giải pháp thiết thực trong cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian giao dịch, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là người dân sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng va, vùng nông thôn. Thời gian tới, đơn vị tập trung rà soát đối với những điểm giao dịch có chất lượng tín dụng đạt thấp, thiếu ổn định; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp củng cố, điều chỉnh và có hướng khắc phục kịp thời; đảm bảo các đối tượng thụ hưởng khi có nhu cầu và đủ điều kiện đều được giải quyết vốn vay theo quy định.