Điểm Giao dịch xã chính là nơi người dân vay vốn trên địa bàn các xã, thị trấn tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc trả nợ ngân hàng, đồng thời thông qua các cuộc họp giao ban tại điểm Giao dịch xã lãnh đạo cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội và Tổ TK&VV có những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH, bổ sung nguồn vốn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng được thụ hưởng tín dụng chính sách.
Trong những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Phú không ngừng đổi mới phương thức làm việc, củng cố nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn nhằm phục vụkhách hàng vay vốn tốt hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên họp giao ban hàng tháng với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã, Tổ TK&VV cũng được Phòng giao dịch NHCSXH huyện hết sức quan tâm. Tại các cuộc họp giao ban hội, đoàn thể cấp xã, các Tổ TK&VV cung cấp nhu cầu vay vốn của từng đối tượng cụ thể nhằm giúp Ngân hàng chủ động xây dựng kế hoạch về nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc họp giao ban đã đề ra chương trình phối hợp để xử lý kịp thời nợ đến hạn, nợ quá hạn, đề xuất xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan,... đồng thời tuyên truyền phổ biến những chính sách mới và nội dung cần phối hợp triển khai, thực hiện trong những tháng tiếp theo.
Ngoài ra, thông qua việc giám sát điểm Giao dịch xã bằng camera, lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã chỉ đạo chấn chỉnh những vấn đề tồn tại phát sinh trong các phiên giao dịch xã nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động giao dịch tại các xã ngày càng được nâng cao.
Hoạt động theo mô hình tại các Điểm giao dịch xã của Phòng giao dịch NHCSXH đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của người vay, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức“giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã".
Doanh số cho vay đến 23/5/2023 đạt 46 tỷ 286 triệu đồng; doanh số thu nợ là 23 tỷ 269 triệu đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đến 23/05/2023 đạt 328 tỷ 935 triệu đồng với hơn 7.215 khách hàng còn dư nợ. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch xã đạt 94 điểm, xếp loại tốt; 100% các xã, thị trấn có chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng tại cấp xã xếp loại tốt. Chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV không ngừng được củng cố và nâng cao, trong đó có 183/183 tổ xếp loại tốt, khá chiếm tỷ lệ 100% và không còn tổ xếp loại yếu, kém.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giảm nghèo bền vững, hạn chế tín dụng đen và tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn./.