Dịch bệnh tàn sát măng tây xanh, dân tan mộng đổi đời
Thứ hai - 24/08/2015 14:16
(Dân Việt) - Cây măng tây xanh (MTX) được đưa đến với nông dân ĐBSCL với hy vọng thành “vị cứu tinh” thoát nghèo. Ai dè, chưa đầy 3 năm, bệnh dịch đã “tàn sát” gần như sạch sẽ mấy chục ha MTX, làm dân ngỡ ngàng.
Kỳ vọng đổi đời
Tháng 7 năm nay, có dịp khảo sát khắp đồng đất 2 xã Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành (TP.Bạc Liêu), chúng tôi được ngắm từng vạt MTX xanh mướt xen lẫn khóm gừng, hành, hẹ. Nhà nào trồng MTX cũng sung túc lên thấy rõ với thu nhập bình quân từ 2-5 triệu đồng/tháng.
//images.danviet.vn/CMSImage/Resources/Uploaded/baogiay2/234_7_mang-tay-xanh.jpg.jpg
Cây măng tây xanh chết trên đồng đất Bạc Liêu.
Kỹ sư Lâm Vĩnh Trân - cán bộ kỹ thuật Phòng NNPTNT TP.Bạc Liêu - trực tiếp theo dõi dự án trồng 6ha MTX trong TP.Bạc Liêu, xác nhận: MTX khá hiệu quả, cho thu hoạch quanh năm, giá bán thấp cũng đạt 50.000 đồng/kg, lại dễ trồng. Nông dân ai cũng ham và kỳ vọng cây trồng này giúp họ đổi đời.
Anh Trương Quý - ấp Giồng Giữa, Vĩnh Trạch Đông cho biết: Trồng 1 công MTX, cho thu nhập gấp 10 lần cây lúa và gấp 5 lần trồng rau cải thông thường. Gần 2 công MTX thu hơn 35 triệu đồng/năm, nhưng chi phí không quá 5 triệu đồng.
Tương tự như Bạc Liêu, tỉnh Bến Tre cũng đã trồng thực nghiệm MTX 3 năm nay và đang chờ nhân rộng. Bước đầu, MTX giúp đổi đời nhiều nông hộ. Nông dân Đinh Thanh Tùng - ngụ ấp Long Huê, xã Long Thới, Chợ Lách, là một điển hình. Anh đã mạnh dạn chuyển 4 công đất trồng cây ăn trái sang trồng 8.000 cây MTX, sử dụng giống F1, có nguồn gốc Mỹ.
Thấy trồng MTX có lợi, hàng trăm nông hộ ở Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng trồng theo và thành công, sản phẩm được Công ty TNHH Cẩm Hon (TP.HCM) mua hết. Nông dân ào ạt muốn mở rộng diện tích để làm giàu từ MTX.
“Thần tượng” sụp đổ
Thạc sĩ Phạm Giang Nam (Đại học Bạc Liêu), cho biết: Để hạn chế mức thiệt hại khi canh tác MTX, nông dân cần thiết kế liếp cao, tránh ẩm ướt phần rễ; đất phải được xử lý kỹ, tiêu diệt hết mầm nấm bệnh; giống phải sạch; quá trình canh tác bón phân cân đối; phun thuốc sinh học phòng ngừa bệnh từ đầu và điều trị kịp thời khi phát hiện vết bệnh vừa mới khởi phát; đặc biệt không khai thác hết măng mà phải chừa lại giúp tăng thêm sinh khối và khả năng chống chịu bệnh...
Niềm vui chưa được lâu, thì “thần tượng” MTX sụp đổ, khi dịch bệnh tấn công làm các cánh đồng MTX chết rụi.
Không ai khác, chính những nông dân như các anh Trương Quý, Khưu Vĩ An, Nguyễn Thành Long (Bạc Liêu); anh Nguyễn Phương (Bến Tre)… là những nạn nhân điển hình.
Từng xem MTX là cứu cánh, giờ đây chính họ là những người quay đầu bỏ chạy và lo lắng nhất với MTX. Bởi theo họ, MTX bị nhiễm bệnh rất khó trị.
Ông Trần Bảo Hoàng - Trưởng phòng NNPTNT TP.Bạc Liêu (nơi trồng MTX nhiều nhất ĐBSCL), nhấn mạnh: Vết bệnh hình đốm trên thân, vàng lá kéo dài và phân tán khắp khóm cây, lây lan nhanh và gây chết dần.
Sau khi dịch phát sinh, kỹ sư Nguyễn Thanh Tú - Trưởng trạm BVTV TP.Bạc Liêu vội vàng lấy mẫu chuyển đến viện, trường phân tích. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, hơn 80% diện tích MTX ở Bạc Liêu chết rụi, tan tành.
Nông dân Trương Quý (Bạc Liêu), cho biết: Gia đình tôi đã phá toàn bộ rẫy MTX, cày đất, bừa kỹ và xuống giống hành, hẹ”. Nơi khác, như đất anh Long, anh An thì thay MTX bằng cây gừng, hiện gừng cũng lú mầm, đang lớn. Đến các làng trồng MTX ở Bạc Liêu, một ít diện tích ở Sóc Trăng, Bến Tre… giờ này, không còn xôn xao bàn tán chuyện mua, bán MTX. Thay vào đó là những cái lắc đầu mỗi khi ai hỏi tới. Phong trào trồng MTX lắng dịu đến không ngờ, các doanh nghiệp bao tiêu cũng im hơi, lặng tiếng, không còn rôm rả như trước kia.